Bí ẩn đằng sau những bức tranh nổi tiếng
Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014
Đằng sau những tác phẩm hội họa nổi tiếng là rất nhiều bí ẩn thú vị. Khi “bóc” dần những lớp sơn phủ trên bề mặt tranh, người ta sẽ được thấy những hình thù mà họa sĩ đã cố tình che giấu làm “bí mật riêng”.
Viện bảo tàng mỹ thuật nổi tiếng ở thành phố Madrid của Tây Ban Nha - Museo del Prado - mới đây đã cho ra mắt một ứng dụng thông minh trên thiết bị di động cho phép khách tham quan được “bóc” những lớp sơn phủ trên bề mặt của những bức tranh nổi tiếng. Từ đó, du khách sẽ phát hiện ra những bí mật mà các danh họa đã cố tình giấu đi.
Khi sử dụng tia X để chụp tranh, người ta sẽ được thấy cả những hình thù mà các họa sĩ đã sử dụng màu vẽ để che giấu đi, đây có thể là một ý tưởng họa sĩ đã hình thành trong quá trình phác thảo, nhưng sau lại đổi ý và muốn loại bỏ.
Ứng dụng thông minh mà bảo tàng mỹ thuật Museo del Prado mới sáng tạo ra nhằm mục đích níu chân khách tham quan, đem lại cho họ những trải nghiệm thú vị hơn với mỹ thuật.
Trong bức “Judith at the Banquet of Holofernes” (Judith ở bữa tiệc của Holofernes - 1634), danh họa người Hà Lan Rembrandt đã khắc họa một người phụ nữ mà người ta vốn cho là Hoàng hậu xứ Pergamon. Bà đang chuẩn bị uống cốc rượu có pha với tro cốt của người chồng quá cố.
Nghiên cứu những lớp màu vẽ của bức tranh, người ta mới phát hiện ra trong tranh còn một nhân vật nữa đang cầm một chiếc túi trên tay. Theo truyền thuyết, chiếc túi này có đựng thủ cấp của tướng địch, được đem đến để trình lên hoàng hậu. Trong quá trình thực hiện, Rembrandt đã loại bỏ nhân vật này đi.
Bức “The Family of Felipe IV” (Gia đình vua Felipe IV - 1656) của danh họa người Tây Ban Nha Velázquez.
Danh họa Velázquez ban đầu khắc họa nhân vật người hầu gái với một chiếc mũi lớn hơn.
Velázquez cũng để nhân vật người cận vệ nghiêng đầu về phía bên phải nhưng sau đó ông đã thay đổi và để nhân vật nghiêng đầu về bên trái.
Bức “The Descent from the Cross” (Người bước xuống từ cây thập tự - 1438) của danh họa Rogier van der Weyden.
Sử dụng tia X để nghiên cứu bức tranh, người ta thấy vết máu trên cổ nhân vật áo đỏ, về sau, họa sĩ đã xóa vết máu này đi.
Cũng trong bức tranh này, ở góc trái và góc phải còn có hình hai cung tên nhỏ xíu, trước đây, người ta vốn cho rằng hình dáng cơ thể Chúa trong bức tranh này được tạo hình như một chiếc cung tên. Việc phóng to bức tranh cho thấy phỏng đoán này hoàn toàn chính xác. Nó thể hiện ẩn ý đầy tính biểu tượng của họa sĩ.
Bên cạnh đó, tài năng của danh họa Rogier van der Weyden còn được thể hiện khi người xem “zoom” lại gần khuôn mặt Đức Mẹ, những giọt nước mắt của bà trông tựa như những giọt nước long lanh có thật đang đọng trên mặt tranh.
Thường khi đến thăm các viện bảo tàng mỹ thuật, những người yêu tranh cảm thấy khó chịu bởi họ không được phép lại gần quan sát cận cảnh bức tranh, lại bị cấm chạm vào hiện vật. Ứng dụng thông minh này sẽ giúp tăng trải nghiệm và đáp ứng phần nào nhu cầu của khách đến thăm bảo tàng Museo del Prado.
Ở đây, người ta đã tạo ra những bức ảnh dung lượng cực lớn cho phép khách tham quan được chiêm ngưỡng cận cảnh từng nét cọ tạo nên bức tranh.
Bình thường, khách sẽ chỉ dành ra khoảng một phút, thậm chí nửa phút để đứng lại ngắm một bức tranh. Với ứng dụng mới này, khách sẽ đứng lại quan sát lâu hơn, có thể vừa đối chiếu bản chính với những ứng dụng thông minh trong thiết bị di động, thăm dò từng xen-ti-mét tác phẩm, từ đó sẽ có những cảm nhận sâu sắc hơn.
Đồng thời, những chú giải đi kèm trong thiết bị di động cũng đem lại những hiểu biết sâu kỹ hơn cho người xem về tác phẩm.
Hiện ứng dụng thông minh mà viện bảo tàng mỹ thuật Museo del Prado đang áp dụng được coi là mang tính tiên phong trong lĩnh vực dịch vụ bảo tàng, cho phép khách tham quan có thể tương tác với tác phẩm, đồng thời lựa chọn chia sẻ những thông tin thú vị với bạn bè trên mạng xã hội.
Tags:
suu tam my thuat
Nhận xét[ 0 ]
Đăng nhận xét