Hồn dân tộc trong tranh
Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014
BÙI XUÂN PHÁI - Chợ hoa ngày Tết. 1975. Sơn dầu
Về nguồn: Xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp kiêm tiểu thủ công tự cung tự cấp lâu đời, người Việt sống quần cư trong các làng xã sau lũy tre làng. Khái niệm Làng Nước, Gia Tộc, Dân Tộc xuất hiện từ rất sớm.
Thời các vua Hùng vua Thục là công xã nghề nông nguyên thủy. Người Việt sống thành bộ lạc, bộ tộc nên mới có tên Lạc Việt, Âu Việt rồi hợp nhất thành Âu Lạc. Vì vậy người Việt mới tự xưng mình là con Hồng cháu Lạc (Hồng khởi thủy là họ Hồng Bàng. Lạc là Lạc Việt thời vua Hùng). Do đó mà đạo thờ Quốc Tổ của người Việt sớm được duy trì: "Dù ai đi ngược về xuôi/nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba" (Tức giỗ Tổ các vua Hùng). Tiếp theo là đạo Mẫu. Nhưng có biến đổi: "Tháng tám giỗ cha/ Tháng ba giỗ mẹ". Tháng tám mùa thu, tháng ba mùa xuân. Đó là những tháng nông nhàn, công việc đồng áng đã xong xuôi, lúa vào thì con gái đang làm đòng, chờ ngày trổ bông, chín rồi thu hoạch, làng xã mới mở hội giỗ cha giỗ mẹ. Giỗ cha, nhiều người cho rằng là giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Vì ngày mất của Ngài đúng vào ngày 20 tháng 08 - mùa thu năm Canh Tý 1300 (Chu Quang Trứ. Văn hóa Việt nhìn từ mỹ thuật. NXB Mỹ thuật). Nhân dân lập đền thờ tôn Ngài là Thánh, là cha, giống như đầu Cách mạng kháng chiến chống Pháp đồng bào ta tôn Bác Hồ là "Cha Già Dân Tộc". Giỗ mẹ, hiểu là giỗ Bà Chúa Liễu Hạnh, biểu trưng cho lực lượng thiên nhiên siêu phàm, huyền nhiệm, nên gọi Bà là Bà Chúa Thượng Ngàn. Người Việt nô nức chảy hội Phủ Dầy; Đền Sòng, Phố Cát; chùa Hương; Đền Tam Thiên Mẫu... Dựa theo tích ấy, nghệ nhân dân gian vẽ theo nhiều đề tài Thánh Mẫu: "Nhị vị Thánh Mẫu'', "Tam tòa Thánh Mẫu'', "Tam phủ Tứ phủ'', "Chư vị''. (Tranh Hàng Trống Hà Nội và tranh làng Sình Huế).
Với đề tài sinh hoạt, lao động sản xuất, cuộc sống nói chung, của nhà nông thường vẽ tranh Gà Lợn như Bé ôm gà, Bé ôm vịt, Lợn độc ăn lá dáy, Lợn đàn, Gà đàn, Đi cày, Chăn trâu thổi sáo. Tình yêu nam nữ có Hứng dừa, Đánh đu. Vợ chồng ngang trái có Đánh ghen. Vui chơi giải trí có Bịt mắt bắt dê, Đấu vật… (Dòng tranh làng Hồ) Đáng lưu ý nội dung đề tài tranh thường có phụ đề chữ Nôm thật hài hước, dí dỏm pha chất lãng mạn ước mơ như Phú quý - Vinh hoa (Tranh Bé ôm gà - ôm vịt); No vợ đủ chồng, có đầu có mỏ (tranh Gà đàn); Khen ai khéo tạc nên dừa/ Đấy trên đây hứng cho vừa lòng nhau (Tranh Hứng dừa); Thôi thôi bớt giận làm lành/ Chi điều sinh sự nhục mình nhục ta (Tranh Đánh ghen)...
Hồn dân tộc không có gì khác, nếu ta ngược bến thời gian tìm về nguồn cội, xem lại kho tàng tranh dân gian, kho ca dao tục ngữ miêu tả về nếp sống văn hóa, tập tục của người xưa. Hoặc ôn lại, pho từ điển sống của người Việt, ta dễ dàng thấy được hồn dân tộc Việt hiện về rõ nét, hay còn bảng lảng đâu đây với sức sống bền bỉ trường tồn: "Đi xa anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương" (Ca dao). "Bánh đa vừng, nắm xôi kê/ Củ từ khoai sắn là quê hương mình... Của ngon vật lạ trên đời/Ăn sao mát ruột bằng nồi canh cua" (Phạm Tăng, họa sỹ Việt Kiều hiện sống tại Paris. Tạp chí quê hương. Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài). "Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Mầu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp/ Quê hương ta từ ngày khủng khiếp/ Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn/ Ruộng ta khô, nhà ta cháy, chó ngộ từng đàn/ Lưỡi dài lè sắc máu/ Kiệt cùng ngõ thẳm bờ xa/ Mẹ con đàn lợn âm dương chia lìa đôi ngả/ Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã/ Bây giờ đôi ngả về đâu?" (Hoàng Cầm. Bên kia sông Đuống). "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, nước ta còn" (Phạm Quỳnh. Chủ bút báo Nam Phong). "Tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt là tấm lụa đã hứng những linh hồn thế hệ qua." (Hoài Thanh. Một thời đại thi ca. Thi nhân Việt Nam 1932- 1941).
Hồn dân tộc trong tranh hiện đại: Lịch sử sang trang. Đất nước đổi mới, hội nhập, phát triển, toàn cầu hóa. Nhưng không vì vậy mà mất gốc, mất truyền thống. Tính dân tộc biến đổi theo sự biến đổi của thời đại. Đó là cách nhìn biện chứng theo quy luật vận động của lịch sử. Truyền thống và hiện đại là phạm trù cặp đôi, có cái này, không thể thiếu cái kia. Chúng tác động tương hỗ lẫn nhau trong phát triển hội nhập là quy luật tất yếu. Hiểu và nhận thức đúng quy luật ấy các họa sỹ hiện đại Việt Nam đã lao động sáng tạo hết mình, tự tin, không mệt mỏi. Danh họa Nguyễn Gia Trí vẽ tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc (Sơn mài khổ lớn, liên hoàn. 1970-1990). Bố cục tranh là rừng cây cổ thụ phủ bóng xuống những ngôi đình chùa làng. Nhân vật trong tranh là những thiếu nữ áo dài thướt tha, kiều diễm của ba miền đang say sưa ca múa, đàn hát trong cảnh đất nước nên thơ, thanh bình giàu truyền thống văn hóa. Cùng cảm hứng mùa xuân - Năm Mới, Lương Xuân Nhị vẽ tranh Thiếu nữ Hà Nội du xuân (Lụa 1940); Nguyễn Tiến Trung vẽ tranh Thiếu nữ với mùa xuân (Sơn mài 1957); Lê Quốc Lộc vẽ tranh Đón giao thừa (Sơn mài 1965). Cùng đề tài, họa sỹ Năng Hiển vẽ tranh lụa (1975). Nổi bật là Nguyễn Tư Nghiêm vẽ tranh Giao thừa bên Hồ Gươm (Sơn mài 1957). Lê Phổ vẽ tranh Thiếu nữ với hoa xuân (Sơn dầu 1960-1970). Bùi Xuân Phái có hai tranh Chợ hoa Tết Hà Nội (Sơn dầu 1975,1979)...
Đặc biệt Nguyễn Tư Nghiêm và các thế hệ nối tiếp sau mỹ thuật Đông Dương - như Văn Đa, Trần Lưu Hậu, Ngọc Thọ, Việt Hải, Phạm Viết Hồng Lam, Lê Trí Dũng... Thường vẽ những "Con Giáp" mỗi độ xuân về Tết đến, vừa treo trong nhà lấy may, lấy phước, vừa tặng bạn bè người thân làm quà mừng năm mới. Đó là chưa kể những tranh "Hoa", tranh "Ngũ quả" bày bàn thờ, tranh lễ hội mùa xuân của nhiều họa sỹ khai bút đầu năm mới với không ít ngôn ngữ, bút pháp, phong cách mới.
Năm hết Tết đến, 23 tháng Chạp vua bếp Táo Quân cưỡi cá chép về trời tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế một năm công việc canh giữ bếp núc đã chứng kiến không ít truyện vui buồn, thăng trầm của tín chủ mà mình đảm trách. Lễ vật gồm cá chép sống, mũ áo cân đai, hia ủng, thật thành kính hậu hĩ tiễn ông về trời Văn hóa tâm linh mơ hồ mà giàu lòng tin, hồn dân tộc như dấu ấn tâm tưởng được khắc họa. Người Việt luôn mơ ước một cuộc sống an lành, no đủ, không bị lâm cảnh "Bếp lạnh tro tàn ". Phải chăng đó là ý nghĩa tích cực, tàng ẩn dưới dạng thần linh của người Việt?.
Chiều 30 tháng Chạp, nhà nhà quét tước trang hoàng sạch đẹp; lau chùi đồ thờ, bày biện lễ vật chay mặn tùy giàu nghèo. Làm lễ "Cúng cáo" mời gia tiên ông bà về sum họp ăn bữa cơm tất niên, chuẩn bị đón giao thừa Năm Mới cùng con cháu. Mùi hương hoa ngát thơm lan tỏa khắp nhà, không khí đoàn tụ đông vui đầm ấm. Đó chính là hồn dân tộc, là nếp sống văn hóa cổ truyền, chất keo gắn bó các thành viên cộng đồng gia tộc - dân tộc. Sáng mồng 1 Tết, tuần hương mới được thắp lên. Mọi người già trẻ lớn bé quần áo mới sênh sang chỉnh tề chúc nhau những lời tốt đẹp. Con trẻ và người già được tiền phong bao mừng tuổi lấy may. Còn gì vui hơn Tết? Nếu sau đó cả nhà lại xuất hành đi chùa lễ Phật, lễ Thánh để cầu lộc cầu phúc cả năm thì thật là thỏa mãn.
"Tết chẳng riêng ai, Tết mọi nhà". Đó chính là ý nghĩa của văn hóa Tết cộng đồng mang hồn dân tộc trong Tết, trong tranh Tết của người Việt đã ăn sâu vào tâm thức từ ngàn đời.
Tags:
bai viet my thuat
Nhận xét[ 0 ]
Đăng nhận xét