Tranh biếm họa trên báo chí: Cười rồi nghĩ, nghĩ xong mới cười...
Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014
Chống cái ác, bảo vệ cái thiện, không khiêu khích, chỉ giễu cợt những điều trong xã hội đang còn có “vấn đề” - có thể tạm liệt kê ra những thiên chức của biếm họa trên báo chí. Nhưng tranh biếm cũng lại là một chứng cứ lịch sử.
Tranh “Đi làm về” của họa sĩ Văn Thanh. Ảnh chụp lại của DƯƠNG VÂN ANH
Trong khuôn khổ lễ trao giải biếm họa báo chí VN - Cúp Rồng Tre lần IV diễn ra chiều 6.4 tại TPHCM, họạ sĩ Lý Trực Dũng cho hay: “Ở nước ngoài, biếm họa chủ yếu được đăng báo từ 1827, tức là 200 năm sau khi tờ báo đầu tiên ra đời. Xem biếm họa, có thể nhìn lại nhiều vấn đề của lịch sử một cách trung thực hơn. Có tác động mạnh mẽ nhất, nhạy cảm nhất là biếm họa chính trị, thời sự.
Tại VN, người Việt đầu tiên có biếm họa đăng báo là Nguyễn Ái Quốc. Chúng ta có những họa sĩ biếm tầm cỡ thế giới như họa sĩ Chóe. Biếm họa VN cũng có một số họa sĩ tài như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Nghiêm...”.
“Một bức biếm họa nào thì được cho là thành công hơn: Nhìn vào cười ngay; hay nhìn vào, nghĩ xem họa sĩ vẽ gì, muốn nói gì, rồi mới cười?”, chúng tôi đặt câu hỏi cho họa sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quân - thành viên HĐGK cuộc thi Rồng tre lần thứ IV. Ông cho biết: “Tranh biếm có 2 loại: Nhìn vào cười ngay là loại tranh người vẽ giỏi ở cách vẽ, VN ta có những ông như Tạ Lựu, Mạnh Quỳnh.
Loại tranh này ý tứ nhìn chung đơn giản. Còn nhìn vào, suy nghĩ, suy diễn rồi mới cười, thì là loại tranh có vẻ có trí tuệ hơn. Đây là loại tranh có bẫy, người xem thấy thích vì bị gài bẫy, tưởng thế này mà lại ra thế kia. Trong những tranh đoạt giải lần này cũng có vài tranh ý tốt, nhưng việc thể hiện lại yếu quá, hình thức không hấp dẫn.
Chùm 3 tranh đoạt giải nhất của họa sĩ Vũ Thanh Hiền (bút danh Zĩn) - “Nụ cười phong bì”, “Nụ cười Việt Nam 1", “Nụ cười Việt Nam 2”, về cơ bản có được 2 tính chất: Nhìn vào, cười ngay (hàm răng quan chức toàn là một dãy phong bì) và nhìn xong, nghĩ, thì mới cười.
Hay tranh “Đi làm về” đoạt giải khuyến khích của Văn Thanh, thể hiện một ông chồng, trước khi bước vào nhà mình, đứng lựa mặt nạ để “đối phó” với vợ con, nhìn vào vừa cười được ngay, ngẫm ra, thấy chua xót...”.
“Tại sao biếm họa VN thường nhiều chữ hơn biếm họa nước ngoài” - một câu hỏi được đặt ra. Họa sĩ Lý Trực Dũng lý giải: “Có những họa sĩ biếm - tư duy mì ăn liền, lười nghĩ sâu, kém về hình, cứ sợ người ta không hiểu hết ý mình, nên phải diễn giải. Đây có thể nhìn nhận như một vấn nạn của biếm họa Việt. Về phía người nhìn tranh, đó là một trong những tật xấu của người Việt mình - lười suy nghĩ, nói là nhìn tranh biếm, thì muốn xem cái gì cười xòa cái, là xong. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân khách quan, là báo chí Việt lại ít đăng...”.
Tags:
bai viet biem hoa
Nhận xét[ 0 ]
Đăng nhận xét